Khảo sát đột biến gen BRCA1/BRCA2 trong ung thư buồng trứng bằng kỹ thuật NGS

Là nội dung của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Thành phố “Khảo sát đột biến gen BRCA1/BRCA2 kiểu dòng tế bào mầm và tế bào sinh dưỡng (germline and somatic mutation) trong ung thư buồng trứng bằng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới (Next Generation Sequencing-NGS)” do Đại học Y Dược TP.HCM chủ trì thực hiện, PGS. TS Hoàng Anh Vũ và TS. Nguyễn Trọng Bình làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2020.

Ung thư buồng trứng là một trong những ung thư thường gặp ở phụ nữ, với 238.700 trường hợp mới chẩn đoán hàng năm và số ca tử vong là 159.000 trên toàn thế giới. BRCA1/BRCA2 là hai gen ức chế bướu có vai trò sửa chữa tổn thương DNA, thường bị đột biến trong ung thư vú và buồng trứng di truyền. Bên cạnh việc có nguy cơ suốt đời mắc ung thư buồng trứng với 55% và 25% tương ứng cho đột biến BRCA1 và BRCA2, những người mang đột biến gen BRCA1/BRCA2 cũng có 80% nguy cơ mắc ung thư vú.

Gần đây, thuốc ức chế poly ADP ribose polymerase (PARP inhibitors) đã được chứng minh là hiệu quả, giúp đưa các tế bào bị đột biến BRCA1/BRCA2 mà không thể sửa chữa được đi vào chương trình chết tế bào theo lập trình apoptosis và giúp cải thiện tiên lượng bệnh hơn nữa. Bên cạnh việc đột biến BRCA1/BRCA2 kiểu mầm (germline mutation), một số nghiên cứu gần đây cũng cho thấy có tỷ lệ đột biến BRCA1/BRCA2 đáng kể kiểu sinh dưỡng (somatic mutation). Đáng lưu ý là, cả hai kiểu đột biến dòng tế bào mầm và tế bào sinh dưỡng trong ung thư buồng trứng đều có lợi ích về sống còn, nếu điều trị bằng thuốc ức chế PARP. Đột biến BRCA1/BRCA2 trong ung thư buồng trứng có những đặc điểm lâm sàng đặc trưng như khởi bệnh sớm, sống còn tốt hơn, đáp ứng cao hơn nếu phác đồ hoá trị có platinum và quan trọng là đáp ứng với điều trị bằng thuốc chống PARP.

Phương pháp giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) được xem là cuộc cánh mạng trong y sinh học vì có đóng góp to lớn trong việc giải trình tự bộ gen của loài người. Phương pháp này dựa trên cơ sở khuếch đại từng đoạn gen mạnh mẽ hơn nên không cần lượng DNA nhiều, đọc trình tự đoạn gen nhiều lần nên hạn chế sai sót tối đa và tổng hợp thông tin tốt hơn, phức tạp hơn trên cơ sở có sự hỗ trợ của máy tính thế hệ mới. Trong giai đoạn đầu của giải trình tự gen, các nhà khoa học sử dụng phương pháp giải trình tự của Maxam và Gilber và phương pháp giải trình tự của Sanger. Trong điều kiện hiện nay, máy giải trình tự thế hệ mới chẳng hạn như Ion Torrent, Illumina,…đã ra đời và giải quyết các nhược điểm của máy giải trình tự thế hệ trước.

Đề tài đã nghiên cứu tính khả thi của kỹ thuật NGS trong việc phát hiện đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 từ mô u của ung thư biểu mô buồng trứng. Cụ thể, nhóm tác giả sử dụng bộ sản phẩm Oncomine BRCA Research Assay trên hệ thống Ion Torrent PGM để khảo sát 101 bệnh phẩm mô u từ bệnh nhân ung thư biểu mô buồng trứng thuộc các dạng carcinôm tuyến bọc dịch trong, carcinôm tuyến bọc dịch nhầy, carcinôm tuyến dạng nội mạc tử cung và carcinôm tế bào sáng.

Kết quả, không phát hiện đột biến nào của gen BRCA2. Trong 8 bệnh nhân có đột biến gen BRCA1 (7,9%), có tới 7 trường hợp là đột biến mầm trong khi chỉ 1 bệnh nhân có đột biến sinh dưỡng. Đột biến c.5251C>T trên exon 11 của BRCA1 là đột biến thường gặp trên bệnh nhân Việt Nam ung thư buồng trứng dạng biểu mô. Cần có thêm số liệu lớn hơn để có thể khẳng định đây là một dạng đột biến tổ tiên của bệnh nhân Việt Nam.

Các trường hợp đột biến chủ yếu gặp trên mẫu có chẩn đoán giải phẫu bệnh thuộc grade cao, thuộc nhóm carcinôm tuyến bọc dịch trong hoặc carcinôm tuyến dạng nội mạc tử cung. Vì vậy, phân độ mô học của ung thư biểu mô buồng trứng rất quan trọng cho gợi ý xét nghiệm đột biến BRCA1/2 trên lâm sàng. Các bất thường về số lượng bản sao của cả gen BRCA1 và BRCA2 đều được ghi nhận từ kết quả giải trình tự gen thế hệ mới, nhưng cần được khẳng định lại bằng một kỹ thuật độc lập khác như MLPA (Multiplex ligation-dependent probe amplification) trước khi có thể triển khai trên lâm sàng.

Đề tài cũng xây dựng được quy trình chẩn đoán đột biến gen bằng phương pháp giải trình tự thế hệ mới Ion Torrent PGM. Quy trình có khả năng áp dụng vào thực hành lâm sàng cho những bệnh nhân ung thư buồng trứng; sẵn sàng chuyển giao ứng dụng cho các đơn vị y khoa (các bệnh viện ung bướu, các bệnh viện có khoa ung bướu phụ khoa, các trung tâm ung bướu, trung tâm tư vấn di truyền,…) để xác định đột biến BRCA1/2 hiệu quả, chính xác, giúp ích cho cho cả tư vấn di truyền phát hiện sớm ung thư cũng như lựa chọn điều trị thích hợp hơn cho bệnh nhân.


@Nguồn: Cesti

BÌNH LUẬN

Vui lòng bình luận ở đây
Vui lòng ghi tên của bạn ở đây