Sản xuất cá cảnh tự nhiên từ nguồn bản địa quý hiếm

Bộ sưu tập cá tỳ bà bướm 3 loài (1.500 con) cùng quy trình kỹ thuật thuần dưỡng được chuyển giao thành công góp phần chủ động nguồn cung cấp cho thị trường cá cảnh tự nhiên, đồng thời bảo tồn chuyển vị được nguồn cá quý hiếm ngoài tự nhiên đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Đây là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố “Điều tra, thu thập và thuần dưỡng các loài cá tỳ bà bướm (Sewellia spp.) để bảo tồn chuyển vị tại TP.HCM” do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao chủ trì thực hiện, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2020.

ThS. Nguyễn Thị Kim Liên (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết, cá cảnh là đối tượng nuôi chủ lực phù hợp với chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng và phát triển nông nghiệp đô thị của TP.HCM. Trong các nhóm cá cảnh xuất khẩu, nhóm cá cảnh tự nhiên bản địa ngày càng có giá trị và được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước, nhưng hiện nay sản lượng đánh bắt và khai thác ngoài tự nhiên ngày càng ít, không đủ đáp ứng cho thị trường cá cảnh. Bên cạnh đó, nguồn cá cảnh tự nhiên chủ yếu là khai thác nên nguy cơ suy giảm và cạn kiệt dần nguồn lợi ngoài tự nhiên.

Tỳ bà bướm (Sewellia spp.) là giống cá nước ngọt bản địa của Việt Nam, phân bố ở các sông suối nước ngọt, nơi có dòng chảy mạnh của các tỉnh miền Trung. Đây là một trong những đối tượng cá cảnh tự nhiên đang được khai thác rất nhiều để phục vụ cho xuất khẩu, dẫn đến sản lượng cá ngoài tự nhiên ít dần. Các cơ sở sản xuất và kinh doanh cá cảnh hiện gặp khó khăn trong công tác nuôi dưỡng cá tỳ bà bướm do tỷ lệ sống của cá còn thấp sau khi vận chuyển về TP.HCM. Loài cá này hiện cũng chưa có nghiên cứu sinh sản nhân tạo được công bố.

Với đề tài nêu trên, nhóm tác giả tiến hành điều tra điều kiện tự nhiên về nơi phân bố và tình hình khai thác các loài cá tỳ bà bướm tại 6 tỉnh miền Trung (Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế); khảo sát các đặc điểm sinh thái của cá tỳ bà bướm bằng phương pháp phỏng vấn người dân đánh bắt tại các vùng thu mẫu qua các phiếu câu hỏi đã soạn thảo trước; định danh phân loại các loài cá tỳ bà bướm được thu thập dựa theo khóa định loại CITES Identification Guide to the Fresh water Fish và hệ thống định loại của FAO; nghiên cứu kỹ thuật thuần dưỡng các loài cá tỳ bà bướm với các thí nghiệm thuần dưỡng về pH, nhiệt độ, sinh cảnh, ánh sáng và thức ăn; nghiên cứu các đặc điểm sinh học, sinh sản của loài bằng phương pháp khảo sát thực tế quần đàn cá trong tự nhiên để dự đoán mùa vụ sinh sản của cá và theo dõi sự thành thục của cá trong điều kiện nuôi nhân tạo.

Theo đó, cá tỳ bà bướm phân bố ở các con suối nơi có nước chảy xiết tại các tỉnh miền Trung, các yếu tố môi trường sống của cá bao gồm: nhiệt độ nước 22-250C, pH nước 6,0, DO 4 mg/L, độ cứng nước 53,7 mgCaCO3/L, độ trong 20-80 cm, tốc độ dòng chảy một chiều 0,38-0,42 m/s. Cá có tập tính bám vào các tảng đá lớn nhỏ dưới nền đáy, cây rừng mọc xung quanh và ven các con suối. Ngoài tự nhiên, cá sinh sản tập trung từ tháng 5-6 trong năm. Mùa khai thác cá chủ yếu là mùa nắng (khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 10 dương lịch), cỡ cá khai thác từ 3-4 cm. Dụng cụ khai thác cá dùng tay lật nhẹ các tảng đá nơi cá bám vào sau đó dùng vợt hoặc rổ vớt cá. Thức ăn ngoài tự nhiên của cá là các rêu, rong, tảo bám vào các tảng đá. Tỉ lệ sống cá sau khi khai thác từ 50-70%. Sản lượng khai thác cá tỳ bà bướm ngày càng giảm và có nguy cơ cạn kiệt nguồn cá ngoài tự nhiên. Việc khai thác cá không có sự quản lý của chính quyền địa phương.

Kết quả nghiên cứu đã định danh được 3 loài cá tỳ bà bướm trong các mẫu cá thu tại 6 tỉnh miền Trung: cá tỳ bà bướm beo (Sewellia elongate Roberts, 1998), cá tỳ bà bướm hổ (Sewellia lineolata Valenciennes, 1846) và cá tỳ bà bướm đốm (Sewellia speciosa Roberts, 1998). Kết quả thuần dưỡng cá tỳ bà buớm ghi nhận: cá hoàn toàn thích nghi trong môi trường nhân tạo với điều kiện nhiệt độ nước từ 26-280C, pH nước 6,0-7,0; cá sử dụng thức ăn viên, ánh sáng 1.000 lux, bể trồng cây thủy sinh hoặc bố trí các gốc lũa. Tỉ lệ sống cá sau thuần dưỡng từ 75-87%. Cá có màu sắc đẹp, các hoa văn rõ nét giống màu sắc cá ngoài tự nhiên. Về đặc điểm sinh học sinh sản, ngoài tự nhiên, cá sinh sản tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 trong năm, tập trung nhiều nhất từ tháng 5-6. Trong điều kiện nuôi vỗ, cỡ cá thành thục là 4-5 cm, trọng lượng 3,0-5,0 g/con. Theo dõi sự phát triển tuyến sinh dục cho thấy cá đực có buồng tinh và cá cái có buồng trứng từ giai đoạn II trở đi, bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10. Trong đó buồng tinh phát triển ở giai đoạn III, IV và V, buồng trứng phát triển ở giai đoạn II đến V. Trứng và tinh trùng đã sẵn sàng tham gia sinh sản trong điều kiện nhân tạo.

Theo ThS. Nguyễn Thị Kim Liên, quy trình kỹ thuật thuần dưỡng cá tỳ bà bướm với đầy đủ các bước và các thông số kỹ thuật đã được chuyển giao cho 1 đơn vị sản xuất kinh doanh cá cảnh (ở quận 5, TP.HCM) và 1 cá nhân chuyên thu mua cá tỳ bà bướm từ các tỉnh miền Trung để cung cấp cá cho các đơn vị xuất khẩu cá cảnh (ở huyện Bình Chánh, TP.HCM). Kết quả cho thấy, áp dụng quy trình giúp tăng tỷ lệ sống trong lưu giữ cá lên 20-30%, cá hoàn toàn sử dụng được thức ăn viên nên rất thuận lợi trong việc chăm sóc. Hiện tại nhóm nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao và hướng dẫn trực tiếp quy trình kỹ thuật thuần dưỡng cá tỳ bà bướm cho các hộ dân kinh doanh cá cảnh tại TP.HCM và các tỉnh lân cận để tăng tỷ lệ sống của cá, chủ động nguồn cá cảnh tự nhiên, giảm bớt số lượng cá khai thác quá mức ngoài tự nhiên, góp phần bảo tồn nguồn cá tự nhiên bản địa.


@Nguồn: Cesti.gov.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng bình luận ở đây
Vui lòng ghi tên của bạn ở đây